4 cung đường không thể bỏ qua khi đến Hà Giang
Núi đôi Quản Bạ được xem là một tuyệt tác thiên nhiên của đất trời Hà Giang
4 tuyến du lịch mới gồm: cung đường Quản Bạ – Yên Minh; tuyến Yên Minh – Đồng Văn; Đồng Văn – Mèo Vạc và Mèo Vạc – Du Già đã khẳng định vẻ đẹp không chỉ ở đích đến mà còn nằm trên những cung đường.
Nếu như trước đây, Hà Giang được biết đến là hành trình riêng của các phượt thủ với phương tiện khám phá là xe gắn máy, thì việc phát triển 4 sản phẩm du lịch mới nhằm đáp ứng dòng khách tham quan tour đoàn, khách gia đình bằng phương tiện xe buýt, xe hơi cá nhân.
Từ Quản Bạ đến Yên Minh
Quản Bạ cũng đồng thời là một huyện nằm ở vị trí cửa ngõ tây nam của công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn.
Từ thành phố Hà Giang vượt dốc Bắc Sum đến cổng trời Quản Bạ ở độ cao 1.200m, du khách sẽ bắt đầu chuyến hành trình trải nghiệm với rất nhiều di sản địa chất – những chứng nhân của lịch sử tiến hóa lâu dài ở khu vực này. Trong đó, nổi bật là một cặp nón đá vôi đầy đặn, cân đối “núi đôi Cô Tiên” hay núi đôi Quản Bạ. Truyền thuyết về nơi khởi nguồn sự sống này gắn với mảnh đất của các giá trị di sản văn hóa của người Mông, người Dao…
Từ Yên Minh đến Đồng Văn
Ngắm cung đường chữ M, Mậu Duệ
Hành trình trên cung đường này đầy ắp những quanh co, lên xuống, du khách ngỡ ngàng như đang ngồi trên tàu lượn siêu tốc. Cung đường tầm 80km với những khúc cua tay áo uốn lượn, những con đường ngoằn ngoèo vắt lưng chừng núi, nhưng qua cảm giác “say xe” đó, du khách sẽ được ngắm những con đường chữ M khúc khuỷu, quanh co… Cảnh đẹp đến mức du khách cảm thấy xứng đáng với hành trình gian nan đã trải qua.
Trên cung đường này, khách còn tha hồ ngắm những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương truyền thống, hàng rào đá bao quanh… đặc biệt bất ngờ trước kỹ năng canh tác hốc đá, người dân có thể tận dụng bất kỳ mẩu đất trống nào trên hốc đá để trồng ngô.
Điểm check-in Lủng Hồ là điểm tham quan mới vừa được tỉnh Hà Giang xây dựng lại phục vụ du khách
Lủng Hồ là điểm check-in mà du khách không thể bỏ qua trên hành trình này. Từ Lủng Hồ, du khách có thể bao quát tầm mắt, ngắm trọn thung lũng của người dân địa phương, những bản làng nhỏ xinh, nép mình bên dãy núi hùng vĩ.
Từ Đồng Văn đến Mèo Vạc
Mã Pì Lèng chưa bao giờ hết làm choáng ngợp du khách với vẻ đẹp hùng vĩ
Hành trình này có lẽ sẽ để lại du khách những ấn tượng đáng nhớ nhất. Bên cạnh những di sản địa chất đặc sắc như hẻm Tu Sản sâu nhất Việt Nam, đèo Mã Pì Lèng, bản Lô Lô Chải, trên cung đường này, khách sẽ tham quan Cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng, tượng đài Thanh niên xung phong với câu chuyện xúc động của những người làm nên con đường Hạnh Phúc.
Làng văn hóa Lô Lô Chải nằm dưới chân núi Rồng, xã Lũng Cú nơi du khách khám phá những ngôi nhà trình tường hàng trăm năm tuổi.
Du khách sau đó đến bản Lô Lô Chải, thưởng thức cà phê tại Cà Phê Cực Bắc. Những người am hiểu du lịch nói rằng đây chưa hẳn là cực bắc của Việt Nam, nhưng quán cà phê nằm trong ngôi nhà có tuổi đời trên 200 năm, tường làm bằng đất, mái lợp ngói âm dương hoàn toàn xứng đáng để du khách trải nghiệm khi đến đây.
Từ Mèo Vạc đến Du Già
Một hàng rào được xếp bằng đá của người Mông tại Thôn Luông, Du Già
Xã Du Già, cách thành phố Hà Giang khoảng 70km, hấp dẫn du khách bởi bản làng trù phú, thanh bình với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, dễ làm xao xuyến lòng người.
Anh Nguyễn Minh Nam, quản lý Tom’s homestay, cho biết trước dịch COVID-19, 90% lượng khách đến Du Già khám phá là khách quốc tế, rất ít khách Việt đến khu vực này. Tuy nhiên, sau dịch cơ cấu du khách đến đây có thay đổi. Hiện Du Già chủ yếu đón khách nội địa, trong đó 60% khách đến từ phương Nam.
Để đưa tuyến này vào điểm khai thác du lịch, tỉnh Hà Giang đã đầu tư đường sá giúp cho việc đi lại thuận tiện hơn.
Những hình ảnh đẹp trên cung đường:
Cánh đồng hoa tam giác mạch làm nên thương hiệu du lịch của Hà Giang
Dốc Thẩm Mã là con đường đèo uốn lượn nằm trên quốc lộ 4C dẫn đến huyện Mèo Vạc. Đây là một đoạn đèo có chín khúc uốn lượn nổi tiếng
Tuổi Trẻ Online – Du Lịch – RSS Feed
https://diendandulich.tct.info.vn/4-cung-duong-khong-the-bo-qua-khi-den-ha-giang-9270.html
No comments