Martinique – bí ẩn chốn biển Caribe
Nhắc đến biển Caribe, chắc hẳn những cái tên đầu tiên mà du khách nghĩ đến sẽ là Cuba, Bermuda hay Bahamas. Nhưng biển Caribe còn sở hữu nhiều thắng cảnh hơn thế, mà hòn đảo Martinique là một ví dụ.
Núi lửa Pelée ở đảo Martinique.
Cao điểm du lịch tại Martinique là từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, khi khách du lịch châu Âu đổ xô đến hòn đảo nhiệt đới này để tránh cái lạnh ở quê nhà. Các vị khách nên tránh ghé thăm Martinique vào giai đoạn này do giá dịch vụ bị đội lên. Thay vì thế, du khách hãy tìm đến Martinique trong khoảng từ trung tuần tháng 5 đến hết tháng 6. Lúc này giá cả đã hạ xuống mà mùa bão cũng chưa tới, khách nước ngoài có thể thỏa thích vui chơi trên các bãi tắm tuyệt đẹp.
Với khách du lịch đi nghỉ dài ngày, hãy thuê một chiếc xe hơi tự lái để khám phá hòn đảo xinh đẹp này. Đường cao tốc ở Martinique được người Pháp xây dựng nên đạt quy chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống GPS không phải lúc nào cũng hoạt động tốt, vì vậy du khách cần đọc bản đồ và biển chỉ dẫn trên đường.
Điểm dừng chân đầu tiên thường là thành phố Fort-de-France, thủ phủ của hòn đảo. Fort-de-France là thành phố cổ xinh đẹp. Nơi đây còn lưu giữ những công trình mang dáng dấp thuộc địa Pháp như pháo đài Fort-de-France (điểm đến để ngắm mặt trời mọc), nhà thờ Saint-Louis, thư viện Bibliothèque Schoelcher… Địa điểm không thể bỏ qua là nhà thờ Balata. Công trình là bản sao thu nhỏ của Vương cung thánh đường Sacré-Coeur nổi tiếng ở Paris. Không ít vị khách đã bị hớp hồn bởi nhà thờ đứng chênh vênh trên bờ vực, mái chóp tròn nổi lên giữa rừng cây nhiệt đới.
Thị trấn Le Diamant nổi tiếng vì sở hữu bãi biển tuyệt đẹp nhìn ra hòn đá Kim Cương. Gọi là đá Kim Cương vì cứ đến một giờ nhất định trong ngày, cái bóng của hòn đá chiếu lên mặt biển giống như một viên kim cương. Nơi đây từng diễn ra trận hải chiến ác liệt giữa hải quân Hoàng gia Anh và hải quân Pháp của hoàng đế Napoleon. Ngoài việc khám phá lịch sử nơi đây, du khách còn tìm đến hòn Kim Cương để ngắm nhìn những loài chim biển như nhạn đầu xám hay chim điên bụng trắng làm tổ trên đá. Bãi biển tại Le Diamant có những con sóng tuyệt vời dành cho người ham mê lướt sóng.
Nói về bãi biển đẹp, không đâu bì được với thành phố Sainte-Anne. Nằm ở cực nam hòn đảo, Sainte-Anne sở hữu những bãi biển đẳng cấp quốc tế. Nổi tiếng nhất là bãi biển Salines. Bãi cát trắng tại Salines tạo thành vòng cung ôm chầm lấy biển. Những cây dừa là là sát mặt đất vì gió, cái xanh của lá như muốn chạm vào cái xanh của đại dương. Đi dạo trên bãi biển Salines mà khách cảm giác như mình lạc vào chốn tiên cảnh. Nhiều du khách vì vậy quyết tâm đi một mạch 22km bãi biển, sau đó tiến về phía Đông thăm trảng cỏ. Trảng cỏ này được hình thành bởi gió khô thổi cát từ bãi biển vào, tạo nên hiện tượng hoang mạc hóa một phần.
Sainte-Anne tuy là thành phố du lịch nhưng vẫn mang bóng dáng của một thị trấn nông thôn. Bao quanh quảng trường nhà thờ ở Sainte-Anne là một loạt các nhà hàng, quầy hàng lưu niệm nhỏ. Còn khu di tích Crève Coeur gần thành phố vốn là một ngôi làng nhỏ. Người dân sống tại đây đã bỏ làng ra đi sau khi núi lửa Pelée phun trào. Nhiều cuộc phục dựng đã được thực hiện để bảo tồn Crève Coeur và đưa nơi này xứng tầm khu di tích lịch sử quốc gia Pháp. Du khách ghé thăm Crève Coeur không nên bỏ qua việc chụp ảnh bên chiếc đồng hồ mặt trời bằng đá được đặt trên chỗ đất cao giữa cánh rừng.
Trước khi rời Sainte-Anne, khách du lịch còn một điểm đến nữa cần tới thăm: Ngọn hải đăng Cabrits. Trên hòn đảo nhỏ Cabrits nhô ra biển, người Pháp cho xây một ngọn hải đăng để dẫn đường tàu bè ra vào cảng. Những người canh đèn biển sẵn sàng đón khách ghé thăm, nhưng du khách cần tôn trọng công việc của họ.
Sông Falaise có một đoạn khoảng 200m chảy giữa hai vách đá dựng đứng. Đoạn sông này sâu chừng 10m, rộng chỉ 1 – 3m. Du khách vẫn hay xếp hàng dài để khám phá khúc sông này. Việc len lỏi giữa hai vách đá mang lại cho du khách cảm giác như những nhà thám hiểm.
Thành phố Saint-Pierre một thời là thủ phủ của đảo, nhưng ngày 8-5-1902, chỉ trong 3 phút, hơn 30.000 cư dân thành phố đã chết trong vụ núi lửa Pelée phun trào. Ngày nay, tại Saint-Pierre chỉ còn 5.000 người sinh sống. Họ đã dồn sức để xây dựng lại thành phố. Nhờ đó, du khách có thể ghé thăm các di tích còn lại sau thảm họa như tu viện của Hội thánh Ursula, cây cầu đá gần Rivière Roxelane… Nhà thờ Đức Mẹ lên trời ở Saint-Pierre được xây dựng năm 1654, đến khi núi lửa phun trào chỉ còn lại mỗi bình phong. Người dân đã gom nhặt những mảnh đá còn lại của các nhà thờ khác trong vùng và xây lại nhà thờ này.
Martinique là món quà quý mà trời đất đã ban tặng cho con người. Người ta đến Martinique để hiểu thế giới này đẹp biết bao, từ đó thêm yêu và trân trọng cuộc sống.
Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/1033136/martinique—bi-an-chon-bien-caribeNguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/1033136/martinique—bi-an-chon-bien-caribe
Hiện tượng phát quang sinh học do một số loài tảo gây ra không thường xuyên xuất hiện. Thế nên, nếu nhìn thấy vùng nước nào đó phát quang, bạn nên dừng lại ngắm cảnh.
Du lịch – Tin Tức Du Lịch
https://diendandulich.tct.info.vn/martinique-bi-an-chon-bien-caribe-9298.html
No comments