Nhà giàu Ấn Độ thích đến Việt Nam mua vàng, chi tiêu cao nhưng “khó chiều”
Tháng 10/2022, Renaissance Riverside Hotel Saigon (TPHCM) dành khu đẹp nhất của tầng 21 để mở một nhà hàng Ấn Độ. Đứng ở tầng cao nhất của khách sạn này, thực khách có thể ngắm trọn con sông Sài Gòn, thưởng thức những món ăn được chế biến bởi đầu bếp “xịn” người Ấn.
Ngoài thay đổi về ẩm thực, khách sạn này cũng trang trí lại nhiều cửa hàng ở tiền sảnh, chuyển qua kinh doanh thời trang đa dạng và cao cấp hơn… nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách Ấn.
Từ giữa năm 2022, các khảo sát của Renaissance Riverside Hotel Saigon đã sớm nhận thấy tiềm năng của nhóm khách Ấn Độ, bởi sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu khách đến lưu trú ở khách sạn sau Covid-19.
Từ một vài đoàn khách nhỏ, nhóm khách Ấn Độ đến đây lưu trú tăng trưởng đến 40%, chiếm áp đảo so với nhóm khách truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Renaissance Riverside Hotel Saigon dường như đã đi trước thị trường một bước. Bởi đến khoảng giữa năm 2023, người ta bắt đầu chứng kiến sự xuất hiện rầm rộ của các nhà hàng Ấn Độ, ở khắp các địa phương du lịch, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng…
Đến tháng 4/2023, Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhu cầu đi đây đó cao, sở thích chi tiêu khủng… biến đất nước 1,4 tỉ dân này trở thành thị trường “béo bở” để khai thác du lịch triệt để.
“Thế lực mới” trên thị trường du lịch với sức tăng trưởng 231%
Hãng thông tấn CNN xếp Việt Nam vào danh sách những quốc gia được hưởng lợi từ làn sóng đi du lịch của Ấn Độ, sau Covid-19.
Báo cáo “Xu hướng tìm kiếm nổi bật năm 2023” của Google cho thấy, dự đoán của CNN đã đúng khi Việt Nam đứng đầu trong top 10 điểm đến được khách du lịch Ấn Độ tìm kiếm nhiều nhất năm qua.
Anh Nguyễn Phương Nam (31 tuổi, Hà Nội), một hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn khách quốc tế, cũng biết về những thông tin này.
Phương Nam chia sẻ, trong năm 2023, anh đã dẫn khoảng 12 đoàn khách Ấn Độ, tổng lượng khách phục vụ lên đến hàng trăm người. Với cá nhân nam hướng dẫn viên, “đây là con số kỷ lục”.
Cơ cấu khách quốc tế Phương Nam phục vụ có sự thay đổi rõ ràng khi nhóm khách châu Âu không còn chiếm vị trí độc tôn. “Tỉ lệ khách Âu và Ấn gần như ngang nhau, thậm chí năm 2024 khách Ấn có thể vượt trội hơn”, nam hướng dẫn viên nhận định.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2023, Việt Nam đón hơn 392.000 lượt khách Ấn Độ. Con số này tăng trưởng 231% so với năm 2019 (gần 169.000 lượt) – năm chưa có dịch Covid-19. Quốc gia 1,4 tỉ dân trở thành thị trường gửi khách quốc tế đến Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh nhất.
Tổng cục Du lịch nhận xét: “Tốc độ tăng trưởng của khách Ấn Độ đầy ấn tượng”.
Đặc biệt, khi con số 231% được so sánh với các thị trường truyền thống khác như: Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi khoảng 30%; Nga đạt 19% so với năm 2019. Một thị trường quan trọng khác của Việt Nam ở châu Á là Nhật Bản cũng chỉ đạt mức 62%.
Sớm nhận thấy tiềm năng của thị trường 1,4 tỉ dân, các công ty lữ hành Việt Nam lao vào cuộc đua đón khách Ấn Độ trong nỗ lực lấp đầy khoảng trống do khách Trung Quốc để lại.
Đã có nhiều chương trình xúc tiến du lịch được thực hiện, hàng loạt cuộc Famtrip (chuyến du lịch trải nghiệm) với các đối tác lữ hành Ấn Độ, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế… với mục đích cuối cùng là hiểu khách Ấn cần gì, nhu cầu du lịch của họ ra sao.
Năm 2019, 3 điểm đến phổ biến nhất với người Ấn Độ là Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Trở lại sau đại dịch, dòng du khách từ Ấn Độ lại tấp nập, và lần này, Việt Nam nổi lên là cái tên mới đáng chú ý với sự tăng trưởng gần như không thể tin được.
Quản lý bộ phận marketing của Threeland Travel, đơn vị chuyên đón khách Ấn Độ, cho biết, số lượng khách của công ty đã tăng hơn 100% so với trước dịch.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc PYS Travel cũng chia sẻ, trong năm 2023, công ty đã phục vụ hơn 1.800 khách Ấn Độ, với tổng 75 đoàn khách lớn nhỏ tới tham quan, du lịch Việt Nam.
Theo bà Hiền, đây là một kết quả kinh doanh khả quan vì 2023 là năm đầu tiên PYS Travel mở rộng thị trường Inbound Ấn Độ. “Hiện tại, chúng tôi cũng đã đặt văn phòng đại diện tại Mumbai (Ấn Độ) để hỗ trợ cho hoạt động quảng bá, phát triển mạnh hơn thị trường này trong thời gian tới”, bà Hiền nói.
Khách Ấn Độ “chịu chi” cho những buổi tiệc tùng xa hoa
“Đoàn khách Ấn Độ mời tôi ăn bò dát vàng, họ tip (tiền cho thêm) cho tôi 300.000 USD (7,4 triệu đồng) sau khi chuyến đi kết thúc”, anh Vũ Ngọc Sơn, hướng dẫn viên du lịch, kể về sự hào phóng của khách Ấn.
Anh Sơn cho biết, đây là một trong những đoàn khách quốc tế “sộp” nhất anh phục vụ trong năm 2023. Họ chỉ có 4 thành viên, là người Ấn Độ nhưng đều theo đạo thiên chúa giáo (không phải người Hindu) nên rất thích đồ ăn Việt Nam.
“Họ ăn thử đủ món từ phở, bánh rán, lẩu riêu cua đến bò dát vàng. Khi ăn các món đắt đỏ, đoàn khách Ấn Độ này đã rất hào phóng khi mời tôi cùng thưởng thức”, anh Sơn kể lại.
Sau 2 năm bí bách vì dịch bệnh, du khách Ấn Độ trở lại thị trường với thói quen rót tiền cho các dịch vụ du lịch xa xỉ.
Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới năm 2020, ước tính năm 2024, du khách Ấn Độ sẽ chi khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài.
Con số này tuy không thể so sánh với mức chi của khách du lịch Trung Quốc trong năm 2021 là 106 tỷ USD nhưng đây vẫn là mức chi khủng mà ngành du lịch của nhiều quốc gia phải khao khát.
Đám cưới tỉ phú Ấn Độ tại Phú Quốc được tổ chức trong khuôn viên khách sạn 5 sao, quy mô khoảng 500-700 khách năm 2019.
Khi đến Việt Nam, nhiều hướng dẫn viên du lịch cho biết khách Ấn Độ rất thích được dẫn đi mua vàng, đá quý, ngọc trai hay những bức tranh thêu, tranh sơn dầu dát vàng để làm quà.
“Nếu dẫn một đoàn khách 6 người vào tiệm vàng thì phải đến 4 người trong số họ sẽ mua mỗi người 1 chỉ vàng”, một hướng dẫn viên, cho biết.
Theo Roma, du khách người Ấn Độ từng đến Việt Nam cho hay, đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất đẹp, các chi tiết của món đồ được làm rất tỉ mỉ, kỳ công.
“Tôi từng được tận mắt chứng kiến quá trình tạo ra một chuỗi ngọc trai ở Phú Quốc, tôi rất thích thú với những món đồ này”, vị khách này nói.
Năm 2020, Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố nghiên cứu chỉ ra, chi tiêu trung bình của một lượt khách Ấn Độ có nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú là khoảng 1.200 USD/4-5 ngày (gần 30 triệu đồng). Con số này cao hơn trung bình của nhóm khách châu Á đến Việt Nam khoảng 1.000 USD, hơn 24 triệu đồng.
Đặc biệt, giới siêu giàu Ấn Độ rất chịu chi cho những buổi tiệc tùng xa hoa. Người Ấn thích đến Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phú Quốc để tổ chức đám cưới và họ sẵn sàng chi hàng tỉ đồng cho dịch vụ này.
Đầu năm 2023, cặp đôi tỷ phú Ấn Độ là cô dâu Tuisha và chú rể Gaurav tổ chức đám cưới tại một resort ven biển Đà Nẵng với đoàn khách gần 500 người từ Ấn Độ sang.
Đội ngũ tổ chức cưới đã mang theo hơn 2 tấn nguyên vật liệu, trang phục, đạo cụ… từ Ấn Độ để phục vụ bữa tiệc. Đi cùng gia đình tỷ phú là các nhiếp ảnh gia, blogger để quảng bá cho sự kiện.
Họ lưu trú 1 tuần ở resort, sau đám cưới, đoàn khách còn tham quan du lịch ở nhiều địa điểm nổi tiếng của Đà Nẵng.
Đại diện Furama resort (Đà Nẵng), cho hay, từ đầu năm 2024 sẽ tổ chức cưới cho 3 cặp đôi cô dâu chú rể Ấn Độ, mỗi đoàn khoảng 600 khách và lưu trú dài ngày. Theo đơn vị này, mỗi đám cưới của người Ấn Độ tổ chức tại resort đều ở con số tiền tỷ.
Phục vụ khách Ấn: Hiểu đúng để đối đãi phù hợp
Khi tìm kiếm từ khóa “khách Ấn Độ” trong các hội nhóm nhân sự ngành du lịch Việt Nam, không khó để bắt gặp những câu chuyện dở khóc dở cười, đặc biệt với người làm khách sạn và các hướng dẫn viên.
“Đoàn hẹn xuất phát lúc 7h, mọi người đều đã sẵn sàng di chuyển thì có vài vị khách đến muộn nhưng vẫn túc tắc mua đồ ăn, thong thả đi dạo dù có hàng chục người đang đợi. Điều này khiến các lái xe hay những người làm dịch vụ rất mất thời gian”, hướng dẫn viên Vũ Ngọc Sơn, chia sẻ.
Tương tự, đại diện PYS Travel cũng cho biết, điều khó khăn nhất khi phục vụ nhóm khách hàng này là đặc thù tín ngưỡng và thói quen sinh hoạt rất khác biệt.
Họ đưa ra các yêu cầu riêng về thực đơn món Ấn Độ, đồ ăn thuần chay, giờ ăn thì thường rất muộn và hay đi trễ. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng chỉ biết tiếng Hindi, không giao tiếp bằng tiếng Anh cũng là một trở ngại lớn với người làm dịch vụ.
Theo các chuyên gia, thị trường Ấn Độ rất tiềm năng nhưng không dễ phục vụ. Chính vì vậy, những nỗ lực thích nghi, sự chuyển dịch của Việt Nam trong việc đón khách Ấn Độ được xem là nhanh nhạy, nhất là ở bối cảnh chúng ta đang mất đi nguồn khách quốc tế quan trọng là Trung Quốc.
Trong năm 2024, đất nước 1,4 tỉ dân vẫn tiếp tục là thị trường trọng điểm được các đơn vị lữ hành khai thác triệt để.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/nha-giau-an-do-thich-den-viet-nam-mua-vang-chi-tieu-cao-nhung-kho-chieu-10807.html
No comments