16 người ăn hết gần 12 triệu đồng tiền hải sản ở Hạ Long có “chặt chém”?
Tranh cãi nhóm khách tố bị “chặt chém” gần 12 triệu đồng hải sản
Ngày 16/2, thực khách tên P.H.T. tố bị một nhà hàng hải sản ở phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) “chặt chém”. Nhóm của chị T. gồm 16 người, dùng bữa tại nhà hàng vào tối mùng 6 Tết, tổng chi phí hơn 11,7 triệu đồng.
Tại đây, họ gọi 7 loại hải sản khác nhau gồm: ruốc chân dài giá 850.000 đồng/kg, hàu sống và hàu mỡ hành 15.000 đồng/con, cá song hổ 750.000 đồng/kg, ốc hương to 750.000 đồng/kg, bề bề to rang muối 850.000 đồng/kg, ngao hoa 450.000 đồng/kg.
Chủ nhà hàng cho biết quán niêm yết giá hải sản công khai. Trước khi đoàn khách vào gọi món đã trao đổi và thống nhất về mức giá từng loại hải sản.
“Chúng tôi đã nói chuyện với khách trước bữa ăn để họ nắm được giá thành từng loại. Giá hải sản của nhà hàng thay đổi theo từng ngày chứ không cố định do tùy thuộc vào lượng đánh bắt của ngư dân.
Mỗi mùa, giá hải sản lại có những thay đổi nhất định. Vào dịp lễ, Tết, giá cả tại nhà hàng tăng từ 8% đến 10% vì chi phí nhân viên phục vụ cũng bị đội lên”, chủ quán giải thích.
Bài viết của chị T. được nhiều trang mạng xã hội đăng tải đã gây xôn xao dư luận. Cộng đồng mạng tranh cãi liệu 16 người ăn hết gần 12 triệu đồng tiền hải sản có “chặt chém”?
Tài khoản Đỗ Thanh cho hay các nhà hàng hiện nay đều công khai giá trong thực đơn kèm hình minh họa bắt mắt nhưng đồ ăn thực tế so sánh với ảnh trên thực đơn thì đúng là “ảnh chỉ để minh họa”.
“Vấn đề không phải là giá, vì giá đã chấp nhận và thống nhất rồi, có thể vấn đề nằm ở chất lượng và khối lượng món ăn không tương xứng với giá niêm yết. Giá đắt, chất lượng tệ, lại vào ngày lễ, Tết thì không khác gì chặt chém du khách”, người này bày tỏ.
“Tôi từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ăn xong tính tiền mới té ngửa, không đủ bằng chứng để đối chất. Nhà hàng “chém” giá cao hơn nhiều những nơi khác, khiến du khách như bỏ tiền mua thêm bực vào người, không muốn quay lại”, tài khoản Mai Hương bình luận.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng tổng chi phí trên được xem là “tạm chấp nhận” với nhóm thực khách đông, du lịch vào mùa cao điểm Tết.
“Mùng 6 Tết, nhân viên thời vụ chưa đi làm trở lại, thực phẩm không đủ, giá cả đắt đỏ là lẽ đương nhiên. Ra chợ mua mớ rau, con cá cũng đã tăng giá gấp đôi, gấp ba ngày thường rồi”, tài khoản Nga Phạm chia sẻ.
“Ngoài một số món đội giá hơi cao như ngao hoa, canh cải thịt, thịt rang, thì tôi thấy giá cả hợp lý. Chưa kể ngày Tết, mình nghỉ còn họ vẫn làm việc phục vụ mình thì cũng có cái giá cả thôi. Tính ra trung bình 700.000 đồng/người cho nhóm 16 người cũng không phải quá đáng”, tài khoản Như Quỳnh viết.
Các chủ nhà hàng hải sản nói gì?
Chủ một nhà hàng hải sản nổi tiếng tại TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) cho biết giá hải sản nhập từ Hạ Long dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng khoảng 15% so với thông thường.
Theo người này, giá cá song hổ ở mức 550.000 đồng/kg, giá ngao hoa 200.000 đồng/kg, đã bao gồm công chế biến. Loại bề bề theo hình ảnh khách chụp cũng không phải loại to.
“Mức giá trên hóa đơn đúng là cao so với thực tế giá nhập nguyên liệu. Có loại cao gấp rưỡi, loại cao gấp đôi. Tuy nhiên, mức giá sản phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô nhà hàng, mức độ cao cấp của dịch vụ…”, chủ nhà hàng nói.
Thông thường giá hải sản tại các nhà hàng ở khu vực Bãi Cháy và Uông Bí chênh lệch không nhiều. Dịp Tết, các nhà hàng thường tăng giá 15-20%, thậm chí hơn, một phần do giá nguyên liệu, phần chính do giá thuê nhân công tăng mạnh.
“Chúng tôi thường thông báo cụ thể giá, giải thích rõ mức giá chênh lệch so với ngày thường và tư vấn cho khách lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng khách hiểu lầm, khó chịu”, chủ nhà hàng cho biết thêm.
Đại diện một chuỗi nhà hàng hải sản nổi tiếng ở Hà Nội cho hay do thực khách không cung cấp đầy đủ hình ảnh trước bữa ăn nên khó đánh giá chính xác liệu nhà hàng ở phường Bãi Cháy (Quảng Ninh) có hành vi “chặt chém” hay không.
Trên thực tế, giá cả phụ thuộc chất lượng hải sản tươi sống hay hàng đông lạnh, kích thước lớn hay bé, nhân viên phục vụ cao cấp hay bình dân, nhà hàng cao cấp hay tầm thường.
“Nhân viên nhà hàng đi làm Tết hầu hết được tính mức 300% lương, vậy nếu bán đúng giá như ngày thường thì chủ kinh doanh không thể lãi”, người này cho hay.
Vị đại diện khuyên thực khách dù đi ăn ở Quảng Ninh, Hà Nội hay bất cứ địa điểm nào, nên thỏa thuận giá trước khi mua. Hiện nay hầu hết các nhà hàng hải sản đều niêm yết giá công khai, mức giá này có thể thay đổi theo mùa hoặc theo ngày.
“Thuận mua vừa bán, nếu thực khách thấy hợp lý thì xuống tiền”, người này nói.
Chị Vũ Thu Hảo (40 tuổi, buôn bán hải sản ở TP Hạ Long) cho hay giá bán mà nhóm khách chia sẻ là đắt gấp đôi so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, theo chị Hảo, giá hải sản thời điểm đầu năm thường đắt đỏ. Ngoại trừ cá thường nuôi được và sẵn hàng thì các loại khác đa số là hàng tự nhiên được đánh bắt ngoài biển. Đầu năm, ngư dân chưa đi biển nên hàng khan hiếm và giá sẽ cao hơn các thời điểm khác.
“Giá hàng hải sản thay đổi từng ngày. Hôm nay nhiều hàng giá sẽ rẻ nhưng ngày mai cũng là loại ốc đó, loại mực đó có thể sẽ đắt gấp đôi. Hải sản Quảng Ninh được đánh giá là tươi ngon nên giá thường ngày đã đắt hơn ở các nơi khác”, chị Hảo nói.
Theo chị, với mức giá 11,7 triệu đồng cho nhóm khách 16 người, nhà hàng không có hành vi chặt chém. Mức giá này được xem là bình thường ở thời điểm đầu năm nếu khách ăn trong nhà hàng. Giá hải sản cùng loại ở chợ có thể rẻ hơn.
“Khách vào nhà hàng sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí khác từ phục vụ, chỗ ngồi, công chế biến, các gia vị đi kèm… Nhà hàng cũng đã công khai giá và khách đồng ý thì họ mới làm nên khó xác định nhà hàng “chặt chém” khách”, chị Hảo nêu quan điểm.
Làm gì để du lịch dịp Tết không bị chặt chém?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định hành vi “chặt chém” khách du lịch trong và ngoài nước thường diễn ra khá phổ biến tại các địa điểm du lịch, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.
“Trong hoạt động kinh doanh thương mại, khách hàng muốn mua sản phẩm đúng giá và rẻ, còn người bán chỉ mong đẩy giá lên cao.
Trong quá trình mua bán, đặc biệt với những giao dịch nhanh, không cần hợp đồng, khách hàng là những người xa lạ hoặc mới lần đầu mua hàng, thì thường rơi vào tình trạng giá bán cao hơn so với mức thông thường”, ông Hoan cho hay.
Theo ông Hoan, hệ lụy “chặt chém” làm xấu hình ảnh của các điểm đến du lịch. Từ tâm lý không thoải mái, du khách sẽ bị ác cảm với điểm đến, sau đó tuyên truyền với người thân, bạn bè về tình trạng này, đồng thời cảnh báo “thận trọng”, từ đó làm mất đi tính hấp dẫn của điểm đến du lịch.
“Chỉ một hình ảnh xấu lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, thì mọi công sức xây dựng hình ảnh du lịch đều bị lung lay. Chúng ta phải cố gắng phòng hơn chống, nghĩa là đề phòng tất cả nguy cơ có thể xảy đến mà ảnh hưởng hình ảnh, đất nước và con người trong mắt khách du lịch”, ông Hoan nói.
Chuyên gia đề xuất ba nhóm giải pháp trọng tâm nhằm xử lý tình trạng “chặt chém”.
Thứ nhất, mỗi du khách trước hết hãy là một người tiêu dùng thông minh. Trước khi mua bất cứ một sản phẩm/ dịch vụ nào, du khách nên hỏi kỹ thông tin về giá, rồi mới quyết định có thực hiện giao dịch hay không?
Thứ hai, tại các điểm du lịch, cơ quan chức năng nên yêu cầu người bán đăng ký thông tin sản phẩm, niêm yết công khai giá bán để khách hàng “thuận mua vừa bán”.
Thứ ba, các lực lượng chức năng từ tổ dân phố, công an đến chính quyền địa phương… cần vào cuộc và quản lý chặt chẽ, đồng thời ban hành các tiêu chí, quy định xử phạt hành chính.
Nếu phát hiện hành vi vi phạm hoặc nhận được phản ánh từ du khách, các lực lượng cần kiên quyết xử lý mạnh để răn đe những người bán khác.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/16-nguoi-an-het-gan-12-trieu-dong-tien-hai-san-o-ha-long-co-chat-chem-11172.html
No comments