Cổ trấn tập trung nhiều người giàu có nhờ buôn bán một thứ cho vua chúa
Nói về vùng đất giàu có nhất Trung Quốc, nhiều người sẽ nghĩ tới phương nam. Từ thời xa xưa, đây là khu vực phát triển kinh tế vượt bậc nhờ lợi thế của các tuyến đường thủy giúp giao thương thuận tiện, hàng hóa buôn bán sầm uất, qua đó việc kinh doanh được thông suốt.
Cũng từ thời phong kiến, nếu như người dân ở phía Bắc Trung Quốc thường chú trọng với việc học hành thi cử với mong muốn đỗ đạt làm quan, thì người phương nam lại có thế mạnh trong buôn bán, giao thương. Qua đó tạo nên sự khác biệt vùng miền rất rõ nét.
Và ở phía nam sông Dương Tử, đến nay còn nhiều cổ trấn vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính, truyền thống của hàng nghìn năm trước. Bất chấp dấu vết thời gian phủ bóng, một số cổ trấn đến nay còn lưu lại những công trình là “bằng chứng sống” cho thấy sự giàu có, thịnh vượng một thời của người dân trong quá khứ.
Trong 6 cổ trấn nổi tiếng nhất khu vực phía nam sông Dương Tử, Nam Tầm là cái tên được nhắc tới nhiều hơn cả. Vào thời kỳ hoàng kim, đây là nơi sinh sống của hàng trăm doanh nhân giàu có, biến nó thành khu vực giàu có bậc nhất vùng Giang Nam.
Thời Bắc Tống, cổ trấn là cái nôi sản xuất nhiều mặt hàng xa xỉ chất lượng cao, trở thành cống phẩm phục vụ cho triều đình. Đó là thứ vải lụa Jili nổi tiếng. Đến thời nhà Minh và nhà Thanh, loại vải lụa này được chỉ định làm áo choàng cho tầng lớp Hoàng gia.
Trong thời kỳ phong kiến, vải lụa Jili thành sản vật rất được vua chúa và tầng lớp quan lại ưa chuộng. Sản phẩm do chính người dân ở cổ trấn tạo ra, giúp nhiều người làm nghề trở nên giàu có. Thời điểm đó, ở Nam Tầm khoảng 100 người buôn bán mặt hàng này.
Là nơi sinh sống của nhiều thương gia giàu có nên các tòa nhà ở Nam Tầm cũng có những lối kiến trúc khác biệt so với cổ trấn khác tại vùng phía nam sông Dương Tử. Nhiều tòa nhà được thiết kế theo phong cách phương Tây kết hợp truyền thống.
Trong số đó, nơi nổi bật nhất phải kể tới dinh thự Tiểu Liên Trang thuộc quyền sở hữu của Lưu Dung, có tổng diện tích lên tới 10 hecta. Đây là dinh thự sang trọng bậc nhất thời điểm đó. Hai mái vòm ở cửa ra vào cũng do Hoàng đế ban tặng, thể hiện danh tính của gia chủ. Vào hè, hoa sen trong đầm nở rộ nên tên của dinh thự được gắn liền với loài hoa này.
Trong cổ trấn còn có một thư viện do cháu trai của Lưu Dung – người giàu nhất Nam Tầm xây dựng. Sau này, thư viện còn được vị Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh ban tặng một tấm biển. Khu vườn ngoài cũng được bao phủ bởi một đầm sen rộng lớn.
Ngày nay, cổ trấn vẫn còn lưu lại khoảng 100 ngôi nhà ven sông với tuổi đời 400 năm lịch sử. Khi tới đây tham quan, du khách nên di chuyển bằng thuyền để ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp hai bên bờ.
Nam Tầm rất phong phú về điểm lưu trú. Nếu đã quen thuộc với những khách sạn lớn có dịch vụ tiện nghi hiện đại, du khách có thể “đổi gió” ở lại những căn nhà trong khu phố cổ tại Baijianlou hoặc thuê nhà cổ ven sông.
Baijianlou vốn là kiểu kiến trúc xây thành khu phức hợp có từ thời nhà Minh, mang đậm nét địa phương giúp phân biệt Nam Tầm với các cổ trấn khác.
Trong khi đó, nếu muốn trải nghiệm nhà cổ ven sông, du khách được cảm nhận rõ nét cuộc sống người dân địa phương. Giá thuê thường từ 100 nhân dân tệ (hơn 350 nghìn đồng)/đêm.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/co-tran-tap-trung-nhieu-nguoi-giau-co-nho-buon-ban-mot-thu-cho-vua-chua-11131.html
No comments