Giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á: Người mở cửa “kho báu” Sơn Đoòng ra thế giới
Cách đây hơn 10 năm, Sơn Đoòng (huyện Bố Trạch) là cái tên khá xa lạ đối với cộng đồng du lịch nhưng hiện Sơn Đoòng đã được biết đến là hang động lớn nhất thế giới. Và mới đây, Tân Hóa (huyện Minh Hóa) được công nhận là Làng du lịch tốt nhất thế giới, điều đó từng bước đưa tỉnh Quảng Bình khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và toàn cầu. Chúng tôi xin bắt đầu câu chuyện với anh từ Tân Hóa. Làm thế nào anh có thể “biến” một làng quê vốn là “rốn lũ” trở thành Làng du lịch tốt nhất thế giới?
– Oxalis bắt đầu nghiên cứu về tiềm năng phát triển du lịch ở xã Tân Hoá từ năm 2011, sau khi biết được Tân Hoá là một vùng “rốn lũ” của Quảng Bình năm 2010. Chúng tôi cũng biết ở đó có hệ thống hang động rất hoang sơ và chưa được biết đến. Oxalis đã phối hợp với ông Howard Limbert cùng những cộng sự thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (nhóm đã khảo sát hang Sơn Đoòng) nghiên cứu, khảo sát ở khu vực hang động Tú Làn, ban đầu mới chỉ phát hiện vài ba hang động ở bên ngoài bao gồm Tú Làn, Hang Ton… Sau gần 10 năm, nhóm phát hiện khoảng 20 hang và chúng tôi bắt đầu phát triển du lịch ở đó.
Năm 2011, khi những người nước ngoài đầu tiên đến khảo sát, người dân Tân Hóa rất ngỡ ngàng vì lần đầu tiên nhìn thấy Tây, rất tò mò muốn tiếp xúc để biết họ khác người Việt ra sao. Bước đầu chúng tôi khai thác một số tour và sử dụng người dân địa phương làm khuân vác, rồi đầu bếp nấu ăn phục vụ khách. Sau một thời gian tập huấn, có người trở thành trợ lý an toàn, làm việc mang tính kỷ luật hơn, họ từng bước hòa nhập với môi trường du lịch, biết cách làm du lịch, phục vụ du khách.
Chúng tôi tiếp tục phối hợp với người dân cung cấp dịch vụ trải nghiệm ăn uống vào buổi tối. Khách nước ngoài khi đi tour về lưu trú tại Tú Làn Lodge, sau đó đến thăm người dân, tìm hiểu cuộc sống, văn hóa, phong tục của người Nguồn, xem họ sống như thế nào trong những ngày lũ lụt hoặc ngày bình thường và thưởng thức bữa cơm tối cùng gia đình họ. Dịch vụ này được trải nghiệm hơn 1 năm nay và được du khách thích thú, đánh giá rất cao. Kế tiếp, chúng tôi cho thử nghiệm một dịch vụ khác là biến đổi nhà chống lũ, nhà phao của người dân trở thành homestay có tiện nghi để khách lưu trú, có trải nghiệm đặc biệt ngay cả những ngày nước lũ dâng lên. Chúng tôi đã “vẽ” một bức tranh phát triển cho Tân Hóa cách đây 10 năm và giờ Tân Hóa – một làng quê du lịch thích ứng thời tiết, phát triển du lịch theo hướng bền vững đã chinh phục được giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới của UNWTO. Ở đó nhiều người dân đã biết làm du lịch chuyên nghiệp, sống bằng du lịch và phát triển du lịch bên cạnh việc làm nông.
Có vẻ như anh luôn biết cách, có chiến lược phát triển để từng bước đưa du lịch Quảng Bình đến với bản đồ du lịch thế giới?
– Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã làm nhiều bước, đào tạo lao động địa phương để họ làm quen với hoạt động du lịch. Bởi một ông nông dân không thể nào một đêm biến thành ông giám đốc kinh doanh, maketing để bán hàng hay một ông giám đốc khách sạn để điều hành các dịch vụ được. Người dân họ chất phác, chỉ biết làm những việc rất đơn thuần. Họ phải làm quen thì mới làm một cách tốt nhất.
Chúng tôi đã đưa rất nhiều cơ quan báo chí, truyền hình đến để quảng bá cho Tân Hóa. Đặc biệt năm 2016 đoàn làm phim “Kong: Skull Island” đã đến Tân Hóa để quay cho bộ phim bom tấn. Tân Hóa được chú ý và sau nhiều lần như thế, mọi người biết đến Tân Hóa nhiều hơn. Rồi đến phim “Người bất tử” và gần đây thì có phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Đây là những chiến lược quảng bá mà tôi muốn đẩy cái tên Tân Hóa từ một vùng “rốn lũ” trở thành một nơi thích ứng với thời tiết để phát triển du lịch.
Bên cạnh hoạt động quảng bá, tôi tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch để tạo sự đa dạng. Khi thấy người dân nhiều năm bảo vệ 5ha rừng lim cổ thụ hàng trăm tuổi mà không có nguồn thu nào, chúng tôi đã tận dụng đường tuần tra của người dân, đưa mô tô địa hình – một môn thể thao mạo hiểm rất được thịnh hành để đưa khách xuyên rừng dưới những tán cây, những con dốc và băng qua suối, khám phá cánh rừng lim cổ thụ. Đây là hoạt động được du khách đón nhận và hào hứng.
Nhưng để Tân Hóa giành được giải thưởng như vậy, chúng tôi đã dựa vào các tiêu chí phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc để làm du lịch phát triển một cách bền vững nhất. Đây là một giải thưởng quan trọng, làm nền tảng để Tân Hóa tiếp tục đi đúng hướng, phát triển trong tương lai. Chúng ta không thể kỳ vọng một ngôi làng trở thành một thành phố hay một đô thị hoành tráng để rồi có những dịch vụ như ở thành phố hiện đại. Một ngôi làng khi được công nhận là “Ngôi làng du lịch tốt nhất thế giới” thì chúng ta phải nắm bắt tiêu chí để duy trì là một ngôi làng thực sự, sẽ phải gìn giữ, cải thiện môi trường vệ sinh thật tốt, duy trì giá trị cảnh quan cũng như giá trị văn hoá truyền thống, kiến trúc để du khách thấy đây là nơi đáng đến tìm hiểu và trải nghiệm. Nếu trong tương lai cứ xây nhiều nhà, nhiều dịch vụ thì không còn nét đặc trưng riêng của Tân Hoá, lúc đó sẽ không còn hấp dẫn du khách, không đúng tiêu chí nữa.
Thuyết phục người nông dân vốn sống khu biệt trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh, chưa từng ra khỏi địa phương trở thành những người làm du lịch chuyên nghiệp chắc hẳn không dễ dàng, anh đã có lòng tin mạnh mẽ thế nào?
– Người dân ở Tân Hoá đa số là đồng bào người Nguồn (gốc Việt – Mường), họ luôn tự xem mình là một dân tộc thiểu số riêng trong cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Việt Nam. Tuy nhiên họ chỉ có ngôn ngữ nói và không có chữ viết, do đó họ không đủ tiêu chí để được xếp thành nhóm dân tộc riêng. Người dân sống chủ yếu dựa vào nghề làm nông, chăn nuôi gia súc. Đàn ông trước đây chỉ làm một việc duy nhất là vào rừng, những việc lớn trong nhà hay nấu ăn, việc đồng áng, phục vụ thường là phụ nữ. Chúng tôi khi triển khai dịch vụ tour ở đó gặp rất nhiều khó khăn. Khi thuê những người đàn ông làm porter (khuân vác), họ không làm phục vụ, thậm chí nhóm lửa để nấu cơm họ cũng không làm. Chúng tôi đã bằng cách tự người dẫn tour sẽ làm rồi thuyết phục họ dần dần tham gia vào việc nấu ăn và phục vụ. Nhờ có khách du lịch động viên, cứ khi họ nấu ăn, khách lại khen, dần dần họ mới thấy rằng giá trị họ mang lại là đồ ăn ngon, khách hài lòng, họ thấm được văn hoá phục vụ, dịch vụ, từng bước làm rất tốt. Ngày nay nếu đi một tour Tú Làn sẽ thấy họ phục vụ rất chuyên nghiệp, có thể giao tiếp với khách nước ngoài bằng Tiếng Anh.
Du khách đến Tân Hoá hiện nay có 80% khách quốc tế và 20% là khách Việt Nam. Đối với việc đào tạo cũng như tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân là cả một quá trình rất dài để họ từ một người không biết gì về du lịch, không biết gì về dịch vụ trở thành người làm dịch vụ du lịch được khách yêu quý.
Xây dựng homestay trên những ngôi nhà phao tránh lũ tôi nghĩ đó là những sản phẩm độc đáo, sáng tạo, giúp nông dân vùng “rốn lũ” có thêm nguồn thu nhập. Nhưng làm thế nào vừa có thể phục vụ, phát triển được du lịch nhưng vẫn phải giữ được văn hoá bản địa, hay giữ được hệ sinh thái tự nhiên?
– Chúng tôi thống nhất với chính quyền địa phương là phải làm từng bước, không phát triển ào ạt, không phát triển nóng để rồi phá vỡ mọi thứ. Đối với Tân Hoá tôi rất hài lòng với tiến độ phát triển, tôi thấy họ đi từng bước rất vững chắc. Mỗi năm có khoảng 9.000-10.000 khách quốc tế đến trải nghiệm tour Tú Làn và các dịch vụ ở Tân Hoá. Hiện nay Tân Hóa chỉ có 10 homestay và 10 gia đình tham gia làm dịch vụ trải nghiệm ăn uống, có 70 người đang tham gia vào tour với vai trò làm porter phục vụ, đầu bếp, trợ lý an toàn, hướng dẫn viên. Trong đó, mỗi hộ cung cấp trải nghiệm ăn tối có mức thu nhập bình quân hơn 12,3 triệu đồng/tháng. Hộ kinh doanh homestay có mức thu trung bình gần 7,2 triệu đồng/tháng.
Chúng tôi tiếp tục phát triển, phối hợp để người dân có thể cung ứng được thực phẩm như trứng gà, rau củ quả sạch cung cấp cho tour, tạo nguồn thu cho người dân địa phương. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2023, Oxalis đã chi gần 420 triệu đồng cho việc thu mua thực phẩm tại địa phương để cung ứng cho các tour Tú Làn. Cũng trong khoảng thời gian này, tổng giá trị hưởng lợi của người dân Tân Hóa từ các hoạt động du lịch mà Oxalis đang khai thác là gần 1,1 tỷ đồng.
Tôi tin rằng cả chính quyền và người dân đều có những bước đi rất vững chắc trong phát triển du lịch, trong những năm tới Tân Hoá sẽ có thêm một số dịch vụ nhưng sẽ đi theo hình thức bài bản như các tiêu chí mà Tổ chức Du lịch thế giới đề ra.
Oxalis cũng đang từng bước đào tạo lực lượng hướng dẫn viên, quản lý người địa phương để chuyển giao cho đội ngũ kế cận phát triển Tân Hoá trong tương lai. Mục tiêu hướng đến là người dân phải thực sự làm chủ các hoạt động du lịch tại địa phương, trở thành một đối tác quan trọng của doanh nghiệp.
Quay trở lại câu chuyện về Sơn Đoòng. Ý tưởng khai thác hang Sơn Đoòng lúc bấy giờ bị nhiều người cho là “khùng”. Chắc hẳn thời gian đầu Oxalis gặp rất nhiều khó khăn và làm cách nào mà anh đưa được nhiều khách quốc tế đến với Sơn Đoòng như vậy?
– Sơn Đoòng được công bố là hang động lớn nhất thế giới vào năm 2009. Thời điểm đó báo chí thế giới rầm rộ đưa tin, truyền thông rất lớn, rồi chìm dần. Sau đó một thời gian không ai nói gì về Sơn Đoòng nữa vì đó là một hang nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh. Có nhiều người khảo sát đến để nghiên cứu nhưng họ cũng không làm gì cả.
Thời điểm 2011 tôi thành lập Công ty Oxalis, có vận hành một số tour như Hang Én, Tú Làn. Mục đích là muốn tạo ra một sản phẩm mới cho du lịch ở huyện Phong Nha. Ở Phong Nha ở thời điểm đó chỉ có động Thiên Đường và động Phong Nha khai thác du lịch tham quan trong ngày. Mỗi hành trình khoảng 2-3 tiếng và khách có thể đi từ Huế, Đà Nẵng ra tham quan rồi về, thành ra hoạt động lưu trú về đêm và các hoạt động khác không phát triển lắm. Mục tiêu của tôi là tạo ra sản phẩm 2-3 ngày để du khách có thể trải nghiệm, lưu trú tại Phong Nha, lúc đó hàng quán mới có điều kiện phát triển.
Thời điểm đầu khi chúng tôi khai thác Hang Én, chỉ vừa đủ chi trả cho nhân viên. Tôi nhận định ngay nếu tiếp tục chúng tôi sẽ không giúp gì được cho Phong Nha, cũng như không giúp gì được cho du lịch Quảng Bình. Điều duy nhất có thể làm được để giúp cho du lịch Quảng Bình, đó là phải sử dụng Sơn Đoòng làm hình ảnh, làm nền tảng để đưa du lịch Quảng Bình ra thế giới.
Đầu năm 2013, tôi đặt vấn đề với UBND tỉnh Quảng Bình và mong muốn tạo ra cho Sơn Đoòng là một sản phẩm du lịch mang đẳng cấp du lịch thế giới, với giá là 3.000USD/khách. Chúng tôi muốn dùng Sơn Đoòng để lan toả, quảng bá du lịch Phong Nha ra thế giới. Và tôi cũng cam kết nếu được làm, chúng tôi sẽ đưa nhiều đài truyền hình, hãng phim, hãng thông tấn báo chí về để quảng bá cho không chỉ Sơn Đoòng mà cho cả vùng Phong Nha. Sau một thời gian thuyết phục, UBND tỉnh Quảng Bình đã cho phép chúng tôi vận hành tour Sơn Đoòng đó. Ban đầu khi công bố một tour vào hàng rất xa xôi, đi 5-6 ngày trong rừng mà phải trả 3.000USD nên rất nhiều người đã sốc và nghĩ chúng tôi có vấn đề gì đó, tại sao lại làm tour đắt như thế, nhiều người không tin rằng tour Sơn Đoòng sẽ thành công.
Có phải việc đưa rất nhiều các hãng thông tấn báo chí ở nước ngoài đến Việt Nam quảng bá cho Sơn Đoòng là một bước đi thành công đã khiến cho cả thế giới biết đến Sơn Đoòng của Việt Nam?
– Tháng 8/2013 khi Sơn Đoòng được cấp phép lần đầu, chúng tôi không có đủ lượng khách tham gia. Tuy nhiên, với chiến lược truyền thông chuẩn bị trước, tôi đã thuê các chuyên gia, nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới về Việt Nam để cùng chúng tôi chụp hình, quay phim. Chúng tôi liên hệ với các hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới để họ hỗ trợ đưa tin. Sau chiến dịch đầu tiên ấy, có hơn 100 hãng báo chí trên thế giới đồng loạt đưa tin về tour Sơn Đoòng và chỉ trong vài ngày, số lượng khách đặt tour trong năm 2014 đã hết chỗ. Sau đó phát sinh ra việc đồn đoán Sơn Đoòng kín chỗ tới 2-3 năm sau. Và quả thật, hiện giờ, chúng tôi cũng phải hạn chế, mỗi năm chỉ đón 1.000 khách để bảo đảm vấn đề môi trường.
Sau những năm khai thác, chúng tôi vẫn tiếp tục đưa những đoàn làm phim tới, nổi bật nhất là Hãng truyền hình ABC của Mỹ. Chương trình Good morning America đã quay và phát trực tiếp trong hang, đến hàng triệu người trên thế giới. Sau đó có hãng National và rất nhiều hãng truyền hình khác đã đến để làm phim. Đặc biệt, đầu năm 2022, chúng tôi mời đoàn làm phim của BBC tới để làm phim tư liệu ở Sơn Đoòng. Hiện nay phim tư liệu đấy là một trong 100 bộ phim tư liệu quay về hang động và cảnh đẹp và tốt nhất của BBC và bắt đầu trình chiếu từ tháng 11/2023. Sơn Đoòng và Hang Va đã nằm trong 1 tập phim của họ. Đây là một trong những chiến dịch quảng bá mà chúng tôi tiếp tục làm để đẩy Sơn Đoòng lên, đồng thời cũng hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm khác ở khu vực Phong Nha, đưa nơi này trở thành một điểm đến thu hút khách trong nước và quốc tế. Nếu đi một vòng quanh Phong Nha, kể cả những tháng mưa lũ, có thể thấy rất nhiều khách quốc tế đến chạy xe máy, xe đạp, ngay kể cả thời điểm thấp điểm nhất của du lịch khu vực miền Trung.
Điều gì đặc biệt khiến khách Tây chịu bỏ ra hơn 3.000USD/người cho 7 ngày 6 đêm chỉ để vào hang Sơn Đoòng và nhiều người phải xếp hàng để có được “tấm vé” vào hang?
– Phải khẳng định một tour du lịch 7 ngày 6 đêm với giá 3.000USD thì trên thế giới có rất nhiều, có nhiều tour còn đắt hơn như vậy. Tuy nhiên ở Việt Nam, với du khách Việt, tour Sơn Đoòng với giá như vậy được cho là rất đắt. Nhưng gần đây, nhiều người Việt Nam đã chấp nhận bỏ ra số tiền đó đi tour và họ đi một cách rất thoải mái. Trong những năm Covid-19 Việt Nam chưa cho khách nước ngoài vào, tất cả khách đi Sơn Đoòng đều là người Việt. Trong năm 2022, chúng tôi có gần 1.000 khách Việt đi tour Sơn Đoòng, họ đều cho rằng nó xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Vì một tour đi vào vùng hoang sơ như thế, khách được phục vụ từ nước uống cho tới lều bạt, ăn uống đến các vấn đề an toàn, nếu tính ra một tour chỉ 10 khách mà có tới 30 người phục vụ thì 3.000 USD không phải là đắt.
Việc tận dụng cơ hội để quảng bá du lịch qua điện ảnh một số nước đã làm và rất thành công. Theo anh, cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh như thế nào và chúng ta cần làm gì để thúc đẩy quảng bá du lịch qua điện ảnh?
– Chúng ta có thể thấy đất nước nổi tiếng và nhiều người biết đến là NewZeland, họ có bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn với những ngôi làng Hobbit đẹp như cổ tích. Đó là bộ phim họ đầu tư để phát triển du lịch. Những cảnh quay đã giúp ngành du lịch phát triển một cách vượt bậc. Hay Thái Lan, Philippines hay rất nhiều nước khác. Tôi nhớ là ở Chiang Mai (Thái Lan) trước đây có bộ phim Lost in Thailand (Lạc lối ở Thái Lan) của đạo diễn người Trung Quốc. Khi bộ phim được trình chiếu, rất nhiều khách Trung Quốc qua Thái Lan, theo dấu chân của nhân vật trong bộ phim. Điều đó chứng tỏ điện ảnh giúp tạo ra sức hút rất lớn cho du lịch. Rồi chúng ta cũng thấy rất nhiều bộ phim Hàn Quốc với những cảnh quay đẹp đã trở thành điểm đến rất hút khách sau khi phim được công chiếu.
Đối với Việt Nam cũng tương tự, điện ảnh có thể giúp phát triển du lịch. Vấn đề ở chỗ phải vận dụng thế nào. Thời gian qua có một số phim nổi tiếng quay ở Việt Nam như Kong: Skull Island, A Touris’s Guide to Love (Hành trình tình yêu của một du khách) chiếu trên Netflix và bộ phim đó gần như nói về cảnh đẹp Việt Nam và câu chuyện về du lịch Việt Nam. Tuy nhiên sau khi phim trình chiếu, chúng ta không có hành động nào tiếp theo để tận dụng việc ra mắt phim để quảng bá cho du lịch thành ra chúng ta tiếp tục mất đi cơ hội khác. Một bộ phim chiếu lên chỉ gây sốt ở ngay thời điểm đó, nếu chúng ta muốn biến nó trở nên hiệu quả phải làm rất nhiều các hành động khác.
Với những gì mà Sơn Đoòng và hệ thống các hang động ở Việt Nam đã ghi dấu ấn trong lòng du khách, anh có tin rằng một ngày nào đó, Quảng Bình sẽ trở thành “kinh đô du lịch thám hiểm hang động” của thế giới sẽ không còn xa không? Tôi nói điều này có quá sớm hay đó chỉ là vấn đề thời gian?
– Hiện nay mỗi năm Oxalis có khoảng 12.000-15.000 du khách tham gia các tour thám hiểm hang động, ngoài ra còn các công ty khác tại địa phương cũng có lượng khách có thể lên đến con số hơn 50.000 người mỗi năm. Theo đánh giá của chúng tôi, lượng khách tham gia các tour thám hiểm hang động hiện nay tại Quảng Bình được xem là có quy mô lớn nhất thế giới. Ở các nước, bộ môn thám hiểm hang động chủ yếu chỉ dành cho những nhà thám hiểm chuyên nghiệp, không dành cho khách du lịch đại trà như ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta có thể gọi Phong Nha – Kẻ Bàng là “kinh đô du lịch thám hiểm hang động” của thế giới.
Với quy mô về nhân sự cũng như lượng khách phục vụ hàng năm thì Oxalis trở thành công ty du lịch mạo hiểm có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Làm cách nào để Oxalis có sự khác biệt trong hàng ngàn doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Đông Nam Á?
– Ngay từ ngày đầu thành lập, mục tiêu của Oxalis là tạo ra “trải nghiệm du lịch độc đáo nhất cho du khách mà không nơi nào trên thế giới có sản phẩm tương tự”. Để làm được điều đó Oxalis chỉ tập trung vào loại hình du lịch thám hiểm hang động tại Quảng Bình mà không phát triển thêm ở các khu vực khác hay không đầu tư dàn trải. Từ đó chúng tôi có thể tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, kỹ thuật chuyên môn để làm tăng giá trị trải nghiệm cho du khách. Tính đến đầu năm 2024, tổng số nhân sự thuộc Oxalis là 517 người. Oxalis cần làm cho du khách thấy rằng số tiền họ bỏ ra không chỉ để mua dịch vụ mà họ đang góp phần vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, không gây hại cho môi trường hay cộng đồng.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/giam-doc-oxalis-nguyen-chau-a-nguoi-mo-cua-kho-bau-son-doong-ra-the-gioi-11081.html
No comments