Cô gái phượt 27 tỉnh trong 10 ngày: “Hú vía” khi qua vùng sạt lở ở Hà Giang
Chuyến độc hành bất ngờ
Kiều Trinh (SN 2000) đang sống và làm việc tại An Giang. Một ngày, cô đưa ra quyết định một mình xách ba lô phượt xuyên Việt chỉ vì muốn đi, dù không có kế hoạch cụ thể, không biết mình sẽ được gặp những ai hay sẽ chiêm ngưỡng được những cảnh đẹp đặc biệt nào.
“Chẳng vì một lý do gì cả, chỉ là khoảng thời gian đó tôi muốn khám phá những cung đường mà tôi chưa từng đến”, Kiều Trinh nói.
Chính vì thế, hành trình hơn 3.000km của cô gái 24 tuổi bắt đầu.
Chuyến đi của Kiều Trinh mở đầu bằng hành trình từ An Giang lên Đà Lạt. Tại thành phố sương mù, cô nán lại 2 đêm. Ở đây, Kiều Trinh thăm thú hồ Tuyền Lâm, đi đồi Đa Phú, săn mây ở đồi chè cũng như tận hưởng khí trời se lạnh.
Sau chuyến đi hơn 500km, Kiều Trinh không quên dành thời gian kiểm tra chiếc xe máy – người bạn đồng hành của mình. Cô điều chỉnh phanh, thay nhớt, để xe có thể tiếp tục hoạt động trơn tru.
Rời Đà Lạt, Kiều Trinh vượt đèo Khánh Lê để từ thành phố ngàn hoa ra vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa). Từ đó, nữ phượt thủ bám sát cung đường biển, đi qua Hải Đăng Đại Lãnh (Phú Yên), Kỳ Co – Eo Gió (Bình Định). Ở nơi này, cô có dịp dạo biển đêm Quy Nhơn, bước đi trên cát mịn và tận hưởng tiếng sóng vỗ rì rào.
“Đến trưa hôm sau, tôi rời Quy Nhơn đến Phố Cổ Hội An (Quảng Nam), thăm cầu Rồng (Đà Nẵng), Đại Nội Huế, chiêm ngưỡng vẻ thơ mộng của sông Hương, chùa Thiên Mụ (Huế) rồi tiếp tục di chuyển ra Hà Nội và đi đến các tỉnh phía Bắc.
Mỗi điểm đến của tôi đều là sự ngẫu hứng, bởi tôi yêu thích sự tự do và không bao giờ lên kế hoạch trước cho hành trình khám phá của mình”, Kiều Trinh chia sẻ.
Dù cuối tháng 6, đầu tháng 7 không phải là khoảng thời gian tốt nhất để đi phượt vì thời điểm này nhiều khu vực ở Việt Nam thường xảy ra mưa lũ, song, Kiều Trinh tự nhủ dù thời tiết có nắng hay mưa thì mỗi thời điểm trong năm vẫn sẽ có những điều đặc biệt riêng.
Khi nhắc đến ruộng bậc thang, nhiều người thường nghĩ ngay đến những đồng lúa vàng ươm trĩu hạt, thế nhưng Kiều Trinh lại thích màu mạ non mới cấy và màu xám của đất hơn, cũng chính vì thế mà cô chọn thời gian này để thực hiện hành trình khám phá đất trời.
“Tôi thích đi vào khoảng thời gian này vì thời tiết ở các tỉnh miền núi phía Bắc không quá lạnh”, Kiều Trinh bày tỏ.
Nhiều lần muốn bỏ cuộc
Tâm sự với phóng viên Dân trí, cô gái 24 tuổi cho biết chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ di chuyển đoạn đường dài như thế. Trong chuyến đi, nhiều lần cô nung nấu suy nghĩ bỏ cuộc, muốn kết thúc hành trình nhưng lại thầm nghĩ mình đã đi được rất xa, nếu để hành trình dang dở thì rất tiếc nên cô tiếp tục “băng rừng, vượt suối” dù có nhiều bỡ ngỡ.
“Đây là lần đầu tiên tôi chập chững với những chuyến đi xa. Từ đầu, tôi đã không gò bó bản thân vào một khuôn khổ nào, không dự định sẽ dừng chân, nghỉ ngơi hay ăn uống ở đâu. Thích nơi nào tôi sẽ dừng xe ở đó vì với tôi, mọi điều trong chuyến đi này đều là trải nghiệm”, Kiều Trinh chia sẻ.
Tuy nhiên, sợ bố mẹ lo lắng khi con gái một mình đi đoạn đường dài, Kiều Trinh đã giấu gia đình, âm thầm thực hiện chuyến trải nghiệm của mình.
Kiều Trinh đi phượt một mình, không cho gia đình biết vì sợ bố mẹ lo lắng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cô cũng cho biết mỗi chuyến đi với cô đều ngẫu hứng và có thể không trở lại lần 2, vậy nên cô không đặt ra một giới hạn nào về việc chi tiêu. Tuy nhiên, cô cũng biết đâu là những nhu cầu phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Xuyên suốt chuyến đi, Kiều Trinh chi tiêu trung bình khoảng 2 triệu đồng/ngày.
Kiều Trinh nói thêm, khi bắt đầu hành trình, điều cô quan tâm nhất chính là trang phục. Cô lựa chọn những bộ quần áo thoáng mát, mỏng, nhẹ, mau khô và ít nhăn. Vì di chuyển bằng xe máy, không có quá nhiều chỗ để mang vác hành lý cồng kềnh và những nơi đi qua không có thời tiết quá lạnh nên Kiều Trinh chỉ mang theo một chiếc áo giữ ấm.
“Tôi cũng dự trù nếu lạnh quá sẽ chọn phương án mặc nhiều lớp áo. Ngoài ra, tôi còn mang theo móc gấp gọn và một ít xà phòng giặt đồ, vì đôi khi giặt sấy không lấy ngay được thì tôi có thể tự giặt quần áo. Khi đó, chất liệu vải mỏng nhẹ, khô nhanh đã phát huy tác dụng”, Kiều Trinh chia sẻ.
Đặc biệt, nữ phượt thủ cũng không quên trang bị túi y tế để phòng hờ tình huống xấu nhất và những dụng cụ hỗ trợ sửa xe phòng khi gặp trục trặc. Dù không thể tự sửa xe một cách chuyên nghiệp nhưng Kiều Trinh cũng có thể vặn lại những chỗ lỏng vì xe phải di chuyển đường dài.
Cô trang bị các dụng cụ như kềm đa năng, bộ bơm tự động, bộ vá xe… và những món đồ đó đã giúp cô “cứu nguy tạm thời” khi xe thủng bánh. “Tuy không thể xử lý được những vết thủng to nhưng chúng có thể giúp xe của tôi tiếp tục di chuyển đến trung tâm, nơi có tiệm sửa xe chuyên nghiệp”, cô chia sẻ.
“Hú vía” khi vượt qua vùng sạt lở
Khi được hỏi “đơn thân độc mã” di chuyển hàng ngàn cây số có gặp khó khăn gì không, Kiều Trinh cho biết có hôm, xe cô cán đinh tận 3 lần. Bên cạnh đó, khi từ Hà Giang về Hà Nội, có lúc cô phải di chuyển trong đêm tối, trời mưa to. Do xe không lắp đèn trợ sáng, nên Kiều Trinh như bơi trong bóng đêm, chỉ có thể bám theo sau ô tô.
Không chỉ vậy, cô cũng từng đi qua đoạn đường bị sạt lở tại Hà Giang và một phen “hú vía”.
“Ngoài đoạn đường sạt lở đó không còn đường khác nên tôi cũng chỉ biết chạy về phía trước. Cũng may lúc tôi đi qua khu vực đó không có mưa, chỉ có những chỗ sạt lở cách đó mấy hôm chưa được dọn dẹp.
Do không truy cập mạng xã hội, nên tôi không biết bản thân đi qua đoạn đường đang trong tình trạng nguy hiểm. Nhớ lại, tôi cũng cảm thấy bản thân may mắn”, cô nói.
Chuyến đi giúp Kiều Trinh chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp của Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Kiều Trinh cũng cho biết tuy lưu lại Hà Giang không lâu, nhưng cô rất ấn tượng với sự nhiệt tình của người dân nơi đây. Khi cần, cô được mọi người hết lòng hỗ trợ. Ngoài ra, Kiều Trinh cũng đánh giá trong các tỉnh thành mà mình từng đi qua, các dịch vụ ở Hà Giang là tốt nhất.
“Có thể nói trong cả chuyến đi, điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là cảnh núi non hùng vĩ ở những vùng núi phía Bắc và con người giản dị vùng bản. Họ rất thân thiện và nhiệt tình. Trong tương lai, tôi sẽ trở lại nơi này”, cô nói.
Sau khi trở về Hà Nội từ Hà Giang, Kiều Trinh làm thủ tục gửi xe máy về TPHCM trong khi bản thân bay vào Đà Lạt rồi mới tiếp tục đón xe về lại TPHCM.
Nói về hành trình hơn 3.000km của mình, Kiều Trinh gọi đó là một tờ giấy trắng được cô tự vẽ nên câu chuyện từ trải nghiệm của bản thân. Nữ phượt thủ cho biết trước khi đi, cô không tham khảo thông tin, kinh nghiệm từ bất cứ ai hay bất cứ bài viết nào. Song, nhìn lại, cô không phủ nhận hành trình 10 ngày của mình đầy khó khăn và thử thách.
Kiều Trinh tâm sự, điều cô học được nhiều nhất sau chuyến hành trình qua 27 tỉnh, hơn 3.000km chính là sự can đảm, dám vượt qua giới hạn và nỗi sợ của bản thân, tự làm mọi thứ mà không dựa dẫm vào ai. Hơn hết, chuyến đi này cho cô khám phá được vẻ đẹp của những vùng đất mới, hiểu hơn về các giá trị lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
“Tôi nghĩ khi còn trẻ, có sức khỏe, nếu có thể thì hãy trải nghiệm bởi những hành trình bạn vượt qua hôm nay giúp bạn trưởng thành, mở mang tầm mắt và đó sẽ chính là những ký ức đẹp vô giá mai sau”, Kiều Trinh chia sẻ.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/co-gai-phuot-27-tinh-trong-10-ngay-hu-via-khi-qua-vung-sat-lo-o-ha-giang-14281.html
No comments